TOP 7 truyện cười phê phán thói hư tật xấu

Truyện cười phê phán thói hư tật xấu không chỉ mang lại tiếng cười mà còn là những bài học bổ ích, trong bài viết dưới đây Dr Khỏe xin chia sẻ những mẫu truyện hay này đến bạn đọc.

1. Thầy bói xem voi

Nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói nói chuyện với nhau. Thầy nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi nó như thế nào. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem. Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi.

Đoạn năm thầy ngồi bàn tán với nhau.

Thầy sờ vòi bảo:

-Tưởng con voi nó thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo:

– Không phải! Nó dài dài như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bảo:

– Đâu có! Nó bè bè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân cãi:

– Ai bảo? Nó sừng sững như cái cột đình

Thầy sờ đuôi lại nói:

– Các thầy nói sai cả. Chính nó tua tủa như cái chổi xể cùn.

Năm thầy, thầy nào cũng cho mình nói đúng, không ai chịu ai, thành ra xô xát, đánh nhau tọac đầu chảy máu.

(Theo Trương Chính)

Thầy bói xem voi
Thầy bói xem voi

2. Tam đại con gà

Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.

Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ.

Một hôm, dạy sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là chim sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy vậy, trong lòng vẫn thấp thỏm.

Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba.

Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:

– Dủ dỉ là con dù dì… Dủ dỉ là con dù dì…

Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuộc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy:

– Chết chửa ! Chữ “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì” ?

Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”, nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ:

– Tôi vẫn biết chữ ấy là chữ “kê”, mà “kê” nghĩa là “gà”, nhưng tôi dạy thế là dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà kia.

Nhà chủ càng không hiểu, hỏi:

– Tam đại con gà là nghĩa làm sao ?

– Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà !

(Theo TRƯỜNG CHÍNH- PHONG CHÂU, Tiếng cười dân gian Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1986)

Tam đại con gà
Tam đại con gà

3. Lợn cưới, áo mới

Có anh tính hay khoe của. Một hôm, may được cái áo mới, liền đem ra mặc, rồi đứng hóng ở cửa, đợi có ai đi qua người ta khen. Đứng mãi từ sáng đến chiều chả thấy ai hỏi cả, anh ta tức lắm.

Đang tức tối, chợt thấy một anh, tính cũng hay khoe, tất tưởi chạy đến hỏi to:

– Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua đây không ?

Anh kia liền giơ ngay vạt áo ra, bảo :

– Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!

(Theo Truyện cười dân gian Việt Nam)

Lợn cưới, áo mới
Lợn cưới, áo mới

4. Đi chợ

Có một cậu bé được bà sai đi chợ. Bà đưa cho cậu hai đồng và hai cái bát, dặn:

– Cháu mua một đồng tương, một đồng mắm nhé!

Cậu bé vâng dạ, đi ngay. Gần tới chợ, cậu bỗng hớt hải chạy về hỏi bà:

– Bà ơi, bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm?

Bà phì cười:

– Bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm mà chẳng được.

Cậu bé lại ra đi. Đến chợ, cậu lại ba chân bốn cẳng chạy về, hỏi:

– Nhưng đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương ạ ?

(Theo Truyện cười dân gian Việt Nam)

5. Nhưng nó phải bằng hai mày

Làng kia có một viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.

Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng. Khi xử kiện, thầy lí nói:

– Thằng Cải đánh thắng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.

Cải vội xoè năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thấy lí, khẽ bẩm:

– Xin xét lại, lẽ phải về con mà! Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt, nói:

– Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày !

(Theo Tiếng cười dân gian Việt Nam, Sđd)

Nhưng nó phải bằng hai mày
Nhưng nó phải bằng hai mày

6. Treo biển

Một cửa hàng bán cá làm cái biển đề mấy chữ to tướng :

“Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI”

Biến vừa treo lên, có người qua đường xem, cười bảo :

– Nhà này xưa quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá “tươi”?

Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay chữ “tươi” đi.

Hôm sau, có người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo :

– Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao, mà phải để là “ở đây? Nhà hàng nghe nói, bỏ ngay hai chữ “ở đây” đi.

Cách vài hôm, lại có một người khách đến mua cá, cũng nhìn lên biển, cười bảo :

– Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”?

Nhà hàng nghe nói lại bỏ ngay hai chữ “có bán” đi. Thành ra biển chỉ còn có mỗi một chữ “cá”. Anh ta nghĩ trong bụng chắc từ bây giờ không còn ai bắt bẻ gì nữa.

Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển, nói :

– Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa ?

Thế là nhà hàng cất nốt cái biển!

(Theo Trương Chính)

Treo biển
Treo biển

7. Mua kính

Có một cậu bé lười học nên không biết chữ. Thấy nhiều người khi đọc sách phải đeo kính, cậu tưởng rằng cứ đeo kính thì đọc được sách. Một hôm, cậu vào một cửa hàng để mua kính. Cậu giở một cuốn sách ra đọc thử. Cậu thử đến năm bảy chiếc kính khác nhau mà vẫn không đọc được. Bác bán kính thấy thế liền hỏi : “Hay là cháu không biết đọc ?” Cậu bé ngạc nhiên : “Nếu cháu mà biết đọc thì cháu còn phải mua kính làm gì ?” Bác bán kính phì cười : “Chẳng có thứ kính nào đeo vào mà biết đọc được đâu ! Cháu muốn đọc sách thì phải học đi đã.“

Theo QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ

Hy vọng, qua bài viết “TOP 7 truyện cười phê phán thói hư tật xấu” bạn sẽ có những tiếng cười đầy bổ ích. Chúc bạn thành công.